Đã đóng

Học sinh bình thường cũng có thể giỏi Lý

Posts Tagged ‘giáo dục’

Người tài là gì?

Posted by Tô Lâm Viễn Khoa trên 10 Tháng Mười Một, 2006

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu: Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm phát triển, trọng dụng nhân tài; đã và sẽ tiếp tục xem xét tích cực và trên cơ sở khoa học những kiến nghị của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước về chế độ, chính sách đãi ngộ đối với các nhà khoa học nói chung, đội ngũ giáo sư nói riêng


“Hiền tài là nguyên khí quốc gia.” Một đất nước không thể nào phát triển nếu không có được sự đóng góp và cống hiến của một đội ngũ nhân tài dồi dào và mạnh mẽ. Những người tài ấy, tuy chỉ chiếm một lượng nhỏ trong xã hội, nhưng lại là một động lực tích cực thúc đẩy đất nước có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Đảng và Nhà nước có chủ trương “trọng dụng nhân tài” là hoàn toàn phù hợp và có lợi cho sự phát triển.

Thế nhưng vấn đề ở đây tôi muốn nhấn mạnh là ở 3 câu hỏi: Thế nào là “nhân tài”? Đảng và Nhà nước ta trọng dụng nhân tài như thế nào? Tôi và bạn có phải là “nhân tài”? Trong khuôn khổ blog và những hiểu biết của mình, tôi không thể nào trả lời 3 câu hỏi trên một cách hoàn toàn tổng quát và thoả đáng. Thế nên, tôi chỉ có thể nêu lên những suy nghĩ, quan điểm và câu trả lời của riêng cá nhân tôi cho những câu hỏi trên.

Trước hết, cần hiểu mục tiêu của giáo dục Việt Nam là “Nâng cao dân trí – Đào tạo nhân lực – Bồi dưỡng nhân tài”. Như vậy, rõ ràng là theo định nghĩa của giáo dục và cũng là của đa số mọi người, “nhân tài” là những người bất bình thường. Xin hiểu nghĩa chữ “bất bình thường” ở đây theo nghĩa rằng, “nhân tài” vượt hẳn qua mặt bằng chung của “dân trí”, vượt luôn cả những người “nhân lực” bình thường ở một số mặt nào đó, đặc biệt là trí tuệ, thể chất và hiệu quả công việc. Ví dụ rằng, một người công nhân bình thường làm được khoảng 5 đến 10 sản phẩm 1 giờ, nhưng nếu có một người nào đó làm được 20 sản phẩm 1 giờ, người đó nên được gọi là “nhân tài”. Trong Vật lý học, người ta đã chứng kiến rất nhiều nhân tài ở từng thời kỳ, thậm chí đạt cả mức thiên tài. Đó là những nhà khoa học, vượt qua những ông giáo bình thường, vượt qua những kẻ giả danh khoa học, bằng tâm huyết và tài năng của mình, đóng góp những phát minh vĩ đại của nhân loại. Có thể kể đến Copernic với “Bàn về vũ trụ” đã đưa ra mô hình gần đúng nhất của hệ nhật tâm, Galile với “Đối thoại giữa hai hệ thống: Ptoleme và Copernic” đã bảo vệ hệ Nhật tâm, đặt nền móng đầu tiên cho phương pháp thực nghiệm, Newton với cuốn “Nguyên lý toán học và triết học” nổi tiếng với 3 định luật cơ học, Einstein nổi bật với công trình “Thuyết tương đối”“Thuyết lượng tử”… Tất cả họ đều là những nhân tài trong thời kỳ mà họ sinh sống. Như vậy,  có thể nêu ra một định nghĩa tương đối gần với chuẩn chung về nhân tài như sau: Nhân tài là những người có trí tuệ, thể chất và hiệu quả làm việc vượt hơn hẳn những người khác và có những đóng góp đáng kể cho lĩnh vực mà họ tham gia. Hay nói ngắn gọn như Bill: “Với một nhân viên nhanh nhạy, thông minh, người ta có thể dạy cho họ mọi thứ.”

Riêng bản thân tôi, tôi cho rằng định nghĩa như trên chỉ là định nghĩa theo nghĩa hẹp, chưa đầy đủ. “Nhân tài” ngoài những yếu tố như trên, còn cần phải có một yếu tố nữa: sự tự nguyện đóng góp. Và tôi đặc biệt nhấn mạnh đến sự tự nguyện, bất kể khó khăn hay thất bại cũng vẫn kiên trì, khao khát cống hiến. Lòng tự nguyện đóng vai trò giống như cái “đức”, một phẩm chất mà nhân tài cần có. Thật là lạ khi trong khái niệm “tài” lại có “đức”! Nhưng Bác Hồ đã từng nói “Có tài mà không đức thì là kẻ vô dụng, có đức mà không tài thì làm việc gì cũng khó”. Nếu bạn đồng ý cả hai vế đều đúng thì chắc chắn bạn cũng sẽ đồng ý với ý kiến trên.
Không phải bất kỳ nhân tài theo nghĩa hẹp nào cũng có thể trở thành những “nhân tài” theo nghĩa mới. Hãy tưởng tượng, một ông giáo sư tiến sĩ nhưng không còn lửa, không muốn tham gia đóng góp cho khoa học mà tự mãn rằng trình độ của ta đã hơn hẳn những người khác, ta đã là nhân tài rồi. Nếu ta gọi ông ta là nhân tài thì quả thật là sai sót lớn. Có thể dẫn chứng vô số người sau khi tốt nghiệp loại giỏi, được gọi là nhân tài, khi về các cơ quan nhà nước lại an phận thủ thường, mất đi ý muốn cống hiến, chấp nhận cuộc sống lương ba cọc ba đồng. Thế thì sao có thể gọi là nhân tài?
Nhưng không phải ai không phải là “nhân tài” theo nghĩa hẹp thì không thể trở thành “nhân tài” theo nghĩa mới. Bởi vì, nếu như họ có được sự khác biệt giữa hẹp và rộng, lòng nhiệt tình, khao khát cống hiến, chắc chắn họ sẽ có thể đạt đến những mức còn lại. Tôi nói, nghe có vẻ thiêng về mặt duy tâm, duy ý chí nhưng tôi có những luận điểm cần thiết để khẳng định điều này. Câu nói của Bác Hồ hoàn toàn đúng nhưng tôi giá như có thể gắn được thêm một cái đuôi nho nhỏ vào câu nói đó “có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, nhưng rồi cũng sẽ có tài.” Nói tới đó, hẳn mọi người cũng hiểu rằng tôi khẳng định, rèn tài dễ hơn rèn đức. Ai đã rèn được đức, chắc chắn sẽ có thể rèn được tài. Người không có tài hoặc tài mọn nhưng bù lại, có được một lòng nhiệt tình, khát khao cống hiến, sẽ tự nhận ra những mặt hạn chế của mình và nỗ lực khắc phục những hạn chế đó. Dần dà, họ sẽ từ từ trở thành “nhân tài”. Và đó mới đúng là “nhân tài” thực sự. Như Galilê chẳng hạn, thời gian đầu, Galilê chỉ là một giáo sư bình thường ở một trường đại học, tuy đã có những suy nghĩ đầu tiên về phương pháp thực nghiệm nhưng lúc này ông vẫn còn mang nặng tư tưởng của Aristote và Ptoleme về hệ Địa tâm, thậm chí ông còn từng lên tiếng chỉ trích rất nặng nề Copernic về những luận điểm về hệ Nhật tâm. Giả sự Galile không thật sự yêu thích khoa học, không tự trăn trở với những hạn chế của hệ Địa tâm, chắc chắn ông sẽ theo đuổi những tư tưởng cũ, chấp nhận nó giống như những nhà khoa học đương thời, những người mà sau này ông gọi là “tiến sĩ nhai lại”. Nhưng Galilê không phải là vậy. Ông say mê nghiên cứu khoa học đặc biệt là thích sử dụng phương pháp thực nghiệm, ông muốn chứng mình hệ Địa tâm của Aristote bằng thực nghiệm và rồi nhận ra nó không phù hợp. Một lần nữa, nếu Galilê không đam mê chân lý khoa học, chắc chắn ông sẽ chọn từ bỏ phương pháp thực nghiệm của mình hoặc như một số nhà khoa học sau này như Plank, hoài nghi với chính công trình của mình. Nhưng Galilê đã mau chóng nhận ra rằng hệ Địa tâm của Aristote mới chính là nguồn gốc của sai lầm còn hệ Nhật tâm mới phù hợp với những thực nghệm của ông và ông trở thành một trong những người bảo vệ mạnh mẽ nhất cho thuyết Nhật tâm của Copernic. Chính điều này đã tạo nên một “nhân tài” Galilê mà sử sách còn lưu lại như là nhà khoa học đầu tiên đề xuất phương pháp thực nghiệm, mở màn cho cuộc cách mạng khoa học lần 1 diễn ra. Như thế, lòng đam mê, sự khát khao cống hiến đã có những vai trò nhất định trong việc định hình một nhân tài. Nếu trong định nghĩa nhân tài mà lại thiếu sót nó, quả thật là một sai sót lớn.
Tóm lại, quan điểm của tôi về nhân tài chính là “Nhân tài là những người có đam mê, có ý muốn đóng góp, cống hiến cho xã hội bằng cả tất cả tài năng của mình, họ có hoặc sẽ có sự vượt hẳn những người khác về trí tuệ, thể chất và hiệu quả làm việc”. Với định nghĩa này, nhân tài sẽ lấn sang nhân lực một ít và điều đó cũng phù hợp với xu hướng hiện nay, coi nhân lực như là nguồn của nhân tài, gắn chặt cả hai cái với nhau.
(còn tiếp…)

Posted in Nghề giáo | Thẻ: , , | 6 Comments »

Tôn trọng nhân cách của người được giáo dục

Posted by Tô Lâm Viễn Khoa trên 4 Tháng Mười Một, 2006

Hôm nay tiếp tục học về các nguyên tắc trong quá trình giáo dục. Nguyên tắc số 4: Bảo đảm sự tôn trọng nhân cách người được giáo dục.

1. Những biểu hiện của sự tôn trọng nhân cách của người được giáo dục (HS):

– Tin tưởng vào khả năng tự hoàn thiện nhân cách của HS
– Đánh giá đúng năng lực của HS, khuyến khích HS phát huy những ưu điểm
– Tôn trọng các mối quan hệ xã hội như bạn bè, người thân của HS
– Đề ra các yêu cầu hợp lý (vừa sức) đối với HS
– Tôn trọng phẩm giá của HS, không xúc phạm đến nhân cách, phẩm giá của HS

2. Ý nghĩa của việc tôn trọng nhân cách của người được giáo dục:

– Tôn trọng nhân cách HS là tôn trọng chính bản thân của nhà giáo dục, tôn trọng quá trình giáo dục, giúp quá trình giáo dục được diễn ra thuận lợi và phù hợp với bản chất, đặc điểm của quá trình giáo dục
– Hình thành được niềm tin: nhà giáo dục tin vào phương pháp giáo dục, tin vào triển vọng hoàn thiện nhân cách người được giáo dục; HS tin tưởng vào khả năng của bản thân, tin tưởng vào những biện pháp giáo dục mà nhà giáo dục đưa ra
– Đảm bảo tính thống nhất biện chứng giữa nhà giáo dục và người được giáo dục

3. Một số ví dụ minh hoạ:
Thực tế giáo dục cho thấy rất nhiều nhà giáo dục đã vi phạm nguyên tắc này.

– Một số giáo viên thường hay xúc phạm học sinh, la mắng, không tôn trọng học sinh: nhẹ thì xưng hô “mày tao”, chì chiết mỗi khi học sinh vi phạm, nặng thì mắng học sinh là “Đồ ngu như bò!”, “Mày ở đảo khỉ hay tràm chim?”, “So sánh tụi bây với nông dân thì hơi quá đáng, nhưng mà kể ra thì nông dân gần đây cũng được ăn học nhiều.”, “Đầu óc em học xong để ở đâu vậy?”, nặng hơn là xúc phạm đến gia đình, người thân của các em.
– Ngoài ra, một vài trường hợp đặc biệt áp dụng những biện pháp trách phạt quá mức, hoàn toàn không tôn trọng học sinh:

+ Học sinh vi phạm lỗi nhỏ sẽ bị thầy trách phạt trước lớp, dùng cả chồng tập đập lên đầu.
+ Học sinh đi học trễ bị thầy đấm một cái vào lưng thật mạnh, đi học mang dép thì sẽ phải đặt chân không lên bục cho thầy dùng giày tây dậm thật mạnh lên (khủng khiếp)
+ Học sinh nói dối, cô giáo yêu cầu cả lớp mỗi người tát em đó một cái thật mạnh.
+ Học sinh vẽ bậy lên ghế giáo viên, cô giáo không tìm ra thủ phạm, phạt cả lớp phải liếm sạch cái ghế dơ. Sau đó, cô yêu cầu mỗi em tự ghi vào một mẩu giấy tên thủ phạm. Cả lớp nộp giấy trắng, cô giáo bắt cả lớp phải liếm ghế lại lần thứ hai.
+ Hiện tượng đánh đập học sinh đến mức tổn thương thể xác, gây ngất là phổ biến và đáng báo động.

Kinh nghiệm bản thân: Ít nhất một lần trong lúc đang dạy học (tutor), vì học sinh hoàn toàn không hiểu bài, trong lúc nổi nóng đã sơ suất nói một câu: “Trời ơi, sao em học mà không để ý gì hết vậy? Đầu óc để đi đâu, phải tập trung vào chứ!”. Kết quả là 5 phút sau, tự nhiên có mấy giọt nước rơi trên cuốn tập, hoá ra em học sinh ấy đã khóc mà không dám cho thầy biết. Tự nhiên thấy có lỗi vô cùng. Kể từ đó, không bao giờ la mắng học sinh nữa.
—-
Làm giáo viên thật khó! Hôm nay học đến nguyên tắc thứ 4 mà đã thấy nảy sinh nhiều vấn đề rồi. Vừa phải dạy học, vừa phải giáo dục, ai nói nghề giáo là nhàn nhỉ? Công việc thì đầy rẫy những tình huống đòi hỏi phải tế nhị, tránh làm tổn thương học sinh và cả làm tổn thương bản thân mình, đòi hỏi phải đầu tư thật nhiều mới mong làm tốt. Thế mới hiểu tại sao GV cấp 3 chỉ phải dạy 18 tiết/tuần theo tiêu chuẩn (tuy chẳng có ai điên mà dạy 18 tiết/tuần, có mà chết đói!). Chặng đường sắp tới khi đi kiến tập và thực tập chủ nhiệm sẽ khó khăn và gian nan lắm đây!
Nhưng chắc chắn sẽ hạnh phúc lắm vì giống như cô nói: “Hạnh phúc lớn nhất của người làm thầy là được thấy những nhân cách tốt đẹp được hình thành dưới sự hướng dẫn và định hướng của mình.” Ừ, phải rồi! Đó cũng là ý nguyện mong muốn được đóng góp cho xã hội ở khâu tái sản xuất, mong muốn dùng tình yêu thương và sự chân thành của mình để xây dựng một và nhiều thế hệ mới, ước mơ được truyền cho học sinh tình yêu vật lý và sự hứng thú đối với cuộc sống này. Những điều đã thôi thúc mình chọn trường Sư phạm chứ không phải là Báo chí (dù đó là lĩnh vực mình cũng rất thích). Cố gắng lên, tôi ơi!

Posted in Nghề giáo | Thẻ: , , , | 2 Comments »